Là mẹ

TRẦM CẢM SAU SINH VÀ BABY BLUES

Phụ nữ chúng ta thường được nghe nhiều những câu chuyện về việc họ sẽ và nên cảm thấy như thế nào sau khi sinh con. Hầu hết là những lời có cánh và dễ chịu. Chính vì thế đã vô tình tạo nên sự kỳ vọng nhất định đến những người lần đầu làm mẹ. Chúng ta thường bỏ quên những cái thực tế mà người phụ nữ phải đối diện sau khi em bé chào đời và không phải cảm xúc nào cũng tích cực như trong mơ. Nó sẽ có pha trộn một chút buồn bã, một chút lo lắng và đôi lúc là một ít thất vọng không rõ nguyên nhân.

Bạn biết không, những ngày đầu tiên của cuộc đời một đứa trẻ sơ sinh không giống như quảng cáo mà bạn thường thấy trên TV. Mặc dù, hầu hết những người mẹ đều sẽ cảm thấy hân hoan và hạnh phúc khi được nhìn thấy con bằng da bằng thịt, nhưng đâu đó cũng sẽ có những khoảng khắc bạn rơi nước mắt không vì lý do gì cả. Em bé trong giai đoạn sơ sinh thường chưa quen với không gian bên ngoài bụng mẹ nên sẽ có thời kỳ em bé bỗng dưng không ngủ hàng giờ đồng hồ hoặc chỉ khóc không ngưng.

Bản thân Dung đã từng phải đối diện với giai đoạn này, vừa khóc vừa bất lực và trách mình vô dụng. Có những ngày, Dung hầu như không ngủ vì con khóc, con thức liên tục 8 tiếng, bế con trên tay mà không còn cảm giác. Bản thân Dung tự đặt ra hàng trăm câu hỏi tại sao,rồi tự an ủi mình là mọi chuyện sẽ qua thôi. Thế nhưng khi em bé lăn ra ngủ thì mình lại khóc. Lúc đó, mới chợt nhận ra là mình không ổn chút nào!

Không chỉ riêng bạn hay chỉ Dung mà bất kỳ người mẹ nào cũng phải đối diện với những cảm xúc đó, đến 80% mẹ mới sinh thường sẽ gặp tình trạng này, người ta hay gọi đó là Baby Blues. Đây là trạng thái mà người mẹ sẽ hay thấy trong khoảng thời gian đầu sau sinh. Thời kỳ này bạn sẽ mau nước mắt, tâm trạng bất ổn và kèm theo suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên nếu như bạn cảm thấy những triệu chứng trên kéo dài quá lâu và ngày càng nặng nề hơn thì đó là tín hiệu cho thấy bạn có thể đang mắc chứng trầm cảm sau sinh.

Vậy làm sao để phân biệt rằng là mình đang trong trạng thái Baby Blues hay trầm cảm sau sinh? Dung sẽ chia sẻ một số thông tin mà trong quá trình làm mẹ Dung đã tìm hiểu và nghiên cứu để bạn có thể chuẩn bị hoặc đơn giản là một “liệu pháp an ủi tinh thần” nếu vô tình đang bạn trải qua những cảm giác này nhé!


“BABY BLUES” LÀ GÌ?

“Baby Blues” là một hiện tượng rất phổ biến thường bắt đầu vào tuần sau khi sinh và có thể kéo dài cho đến khi em bé được 10 đến 14 ngày tuổi. Biểu hiện của hiện tượng này thường kéo theo tâm trạng bất ổn, không vui, hay cáu kỉnh và dễ rơi nước mắt hơn bình thường.

Nhiều người cho rằng Baby Blues xảy ra là do những thay đổi đột ngột về nội tiết tố (estrogen) và sự chuyển đổi bên trong cơ thể của phụ nữ sau khi sinh con. Ví dụ: nồng độ estrogen giảm hơn 100 lần trong ba ngày ngay sau khi sinh em bé nên dẫn đến hiện tượng trên.  Và hiện tượng này thì không giống như chứng trầm cảm sau khi sinh.


TRIỆU CHỨNG CỦA BABY BLUES

Các triệu chứng phổ biến của Baby Blues bao gồm:

  • Tâm trạng không vui vẻ, bất ổn
  • Hay lo lắng,  bồn chồn
  • Cáu kỉnh, khó chịu hoặc gắt gỏng
  • Hay khóc lặp đi lặp lại hoặc đột ngột (kể cả bật khóc) mà không rõ nguyên nhân
  • Dễ xúc động và thao thức

Mặc dù những triệu chứng này có thể làm bạn buồn, khó chịu đặc biệt là vào thời điểm mà bạn đang cảm thấy rất hạnh phúc thì nó hoàn toàn bình thường.


LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT QUA BABY BLUES?

Baby Blues là một hiện tượng bình thường của sau sinh và hầu hết các triệu chứng này nhẹ và sẽ hết sau vài ngày.

Mỗi người sẽ có những cách khác nhau để cải thiện những cảm xúc tiêu cực trong giai đoạn này, quan trọng là bạn có chọn được điều gì tốt và phù hợp với bản thân nhất hay không. Thường thì, chúng ta được khuyên hãy cố gắng thử bắt đầu làm một việc gì đó mà mình cảm thấy thư giãn và thoải mái nhất như tập thể dục, tập yoga, đọc một cuốn sách hay xem một bộ phim hài nào đó cũng là cách để bạn quên đi và cải thiện tình hình.

Ngoài ra, phụ nữ chúng ta thường ôm mọi việc vào bản thân và ngại chia sẻ những khúc mắt trong lòng. Chúng ta sợ nói ra, sợ nghe những lời phán xét như “Có gì đâu mà cực”, “Rồi sẽ qua thôi than hoài”, “Ai mà không stress chứ”. Hãy thử nói ra với người bạn đời của mình, hãy nhờ chồng bạn thay bạn giữ con để bạn ra ngoài dạo mát một chút khi khó chịu hay đơn giản là đi uống nước cùng đứa bạn thân để tám chuyện.

Đừng để bản thân chịu đựng và im lặng. Đừng tự gánh vác mọi thứ và trách bản thân quá nhiều. Đừng ngại nhờ một ai đó khi bạn cần giúp đỡ.


TRẦM CẢM SAU SINH LÀ GÌ?

Trầm cảm sau sinh là một loại bệnh trầm cảm phát triển sau khi sinh con. Các triệu chứng tương tự như trầm cảm, bộc phát sau khi sinh con và tâm trạng không tốt kéo dài.

Trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc bản thân và em bé. Đồng thời nó có thể khiến các công việc hàng ngày đơn giản (bao gồm cả chăm sóc con cái) trở nên phức tạp và như một cuộc chiến với họ.

Bệnh này rất phổ biến, ảnh hưởng đến hơn 1/10 phụ nữ trong vòng một năm sau khi sinh con. Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh thường phát triển trong vòng 2 đến 8 tuần sau khi sinh, nhưng chúng có thể bắt đầu lên đến một năm sau khi sinh em bé.

Ngoài ra, một tỉ lệ nhỏ phụ nữ có các triệu chứng trầm cảm bắt đầu trong khi mang thai và tiếp tục sau khi sinh con.


NGUYÊN NHÂN GÂY RA TRẦM CẢM SAU SINH

Thông thường, hiếm có một nguyên nhân duy nhất dẫn đến chứng bệnh này, và nó thường được cho là kết quả giữa căng thẳng và hoàn cảnh cuộc sống.

Phụ nữ sinh con ở mọi lứa tuổi, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế xã hội đều có thể bị trầm cảm sau sinh, nhưng một số yếu tố nguy cơ nhất định làm tăng cơ hội phát triển bệnh trầm cảm của phụ nữ. Bao gồm:

  • Tiền sử trầm cảm: Phụ nữ có tiền sử trầm cảm hoặc lo lắng trước hoặc trong khi mang thai có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh.
  • Tiền sử gia đình bị trầm cảm sau sinh
  • Thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể: Trong những giờ đầu sau sinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm mạnh đột ngột, từ đó có thể kéo theo trạng thái trầm cảm. Điều này tương tự như việc căng thẳng và thay đổi tâm trạng do nồng độ hormone thay đổi nhẹ trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
  • Tuổi mẹ trẻ: các bà mẹ còn rất trẻ (từ 13 đến 19 tuổi) có mức độ trầm cảm sau sinh cao. Việc mang thai và làm cha mẹ sớm cùng nhiều thách thức của nó càng làm trầm trọng thêm điều đó.
  • Cuộc sống hàng ngày: Bên cạnh việc chăm sóc đứa con mới chào đời, người mẹ có thể phải đối mặt với những thách thức liên quan đến bạn đời, các thành viên khác trong gia đình, công việc, tài chính, phân biệt đối xử hoặc môi trường sống không ổn định.

Thật ra, không có nguyên nhân rõ ràng hoặc yếu tố nào góp phần lớn gây ra chứng trầm cảm sau sinh của phụ nữ sau sinh. Và không phải ai đã từng trải qua những vấn đề trên (nhiều hay ít) không có nghĩa là sẽ mắc chứng trầm cảm sau sinh.


TRIỆU CHỨNG CỦA TRẦM CẢM SAU SINH

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh có thể gặp một, một số hoặc nhiều triệu chứng sau:

Tâm lý Thể trạng cơ thể Em bé
  • Tâm trạng không vui (ví dụ: cảm thấy buồn bực hoặc dễ rơi nước mắt)
  • Cáu kỉnh, tuyệt vọng, bế tắc trong mọi vấn đề, kể cả đơn giản nhất
  • Không hứng thú với các công việc và hoạt động hàng ngày (bao gồm cả những việc bạn đã từng yêu thích trước đây)
  • Trí nhớ kém, khó tập trung
  • Không có hứng thú trong quan hệ tình dục
  • Suy nghĩ tiêu cực, hay mang cảm giác tự ti, tội lỗi, ức chế
  • Hay hoảng sợ, lo lắng quá mức
  • Khép mình lại và không giao lưu xã hội dù là bạn bè thân hay gia đình
  • Dễ bị tác động và kích động từ yếu tố bên ngoài
  • Có suy nghĩ và hành động làm hại bản thân và có xu hướng tự sát.
  • Khẩu vị và cách ăn uống thay đổi
  • Cơ thể trong tình uể oải, mệt mỏi, không có năng lượng
  • Khó ngủ
  • Đau nhức
  • Luôn cảm thấy không khỏe
  • Khó gắn kết với em bé
  • Luôn có cảm giác em bé bất ổn (em bé của bạn không khỏe hoặc không an toàn)
  • Mất hứng thú trong việc chăm sóc và kề cận với con của bạn
  • Sợ bản thân sẽ gây hại cho em bé của mình nên sẽ thường né tránh nên dần dần tạo khoảng cách nhất định với con của mình,.

Trầm cảm sau sinh làm suy giảm chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trong những trường hợp nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến suy nghĩ hoặc hành vi tự sát. Những người mới làm mẹ có các triệu chứng trầm cảm sau sinh có nguy cơ cao bị lạm dụng chất kích thích.


PHÂN BIỆT BABY BLUES VÀ TRẦM CẢM SAU SINH

Baby Bluestrầm cảm sau sinh có nhiều triệu chứng chung như tâm trạng bất ổn, dễ khóc, cáu kỉnh và nóng giận không kiểm soát. Chính vì lẽ đó, sẽ khó mà hình dung điểm khác nhau của 2 hiện tượng này.

Tuy nhiên, để dễ hình dung hơn, trầm cảm sau sinh là bệnh nên thường nó sẽ có các triệu chứng không tốt hơn như sau:

  • Mức độ cao hơn Baby Blues. Ví dụ: sự cáu kỉnh của Baby Blues chỉ nhất thời và không gây xung đột quá cao trong mối quan hệ gia đình, nhưng với trầm cảm sau sinh, thì sự cáu kỉnh nó sẽ khó chịu hơn gấp nhiều lần.
  • Thời gian kéo dài hơn hai tuần
  • Các thói quen như ăn uống, nghỉ ngơi của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng và kéo dài
  • Tạo khoảng cách với gia đình và chính với em bé của bạn.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể bị trầm cảm sau sinh (hoặc có bất kỳ triệu chứng nào đáng lo ngại), hãy tìm đến bác sĩ để có những kiểm tra chính xác càng sớm càng tốt để có phương án cải thiện và hỗ trợ tốt hơn.


CÁCH ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM SAU SINH

Khác với Baby Blues, trầm cảm sau sinh là một loại bệnh về mặt tâm lý. Do đó, phương pháp điều trị cũng phải khoa học và dựa trên mức độ bệnh của người mẹ.

Điều trị trầm cảm sau sinh hoàn toàn có thể có kết quả tốt nếu thực hiện điều trị sớm. Các chuyên gia sức khỏe tâm lý có thể giúp mẹ sau sinh có hướng điều trị trầm cảm phù hợp và đúng đắn nhất. Một số phương pháp như:

  • Tư vấn tâm lý: nói chuyện riêng với chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc nhà tâm lý học. Các bác sĩ thông qua những trao đổi sẽ giúp mẹ nhận ra và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và hành vi của mình một cách dần dần;
  • Điều trị bằng thuốc: Khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm sau sinh thì nên tư vấn với bác sĩ càng sớm càng tốt, đừng tự uống thuốc ngủ để có giấc ngủ ngon. Cố gắng báo với bác sĩ về tất cả các triệu chứng gây khó chịu, điều này sẽ giúp cho thầy thuốc chẩn đoán chính xác về bệnh hơn. Thuốc được kê toa thông thường hoặc là thuốc an thần hoặc là thuốc chống trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng ức chế lên não bộ, điều chỉnh tâm trạng. Tuy nhiên việc dùng thuốc chống trầm cảm cần được xem xét và theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Hỗ trợ từ người thân: bạn bè và gia đình cần động viên, hỗ trợ và chắc chắn người mẹ đang được điều trị trầm cảm.
  • Vai trò của bản thân: hãy tin tưởng và kiên nhẫn vào khả năng cải thiện chứng trầm cảm của bản thân. Hãy lắng nghe cơ thể mình, đừng quá lo lắng khi đau, mệt, bởi đau nhức vì đó là trạng thái các sản phụ sau sinh có thể trải qua. Hãy bắt đầu quay lại những thói quen, sở thích mà mình từng làm trước đó, để bản thân được thoải mái và thư giãn nhất. Đồng thời, ăn uốngđiều độ, bổ sung trái cây và rau xanh hằng ngày.

KẾT

Trầm cảm sau sinh là một bệnh lý phổ biến cần được hỗ trợ và điều trị. Đó không phải là “triệu chứng bình thường” của bất kỳ người mẹ sau sinh nào hay là một dấu hiệu của sự yếu đuối mà bạn có thể “thoát khỏi”. Nên đừng cảm thấy bối rối và mặc định rằng nó sẽ hết nếu con bạn lớn dần.

Ngoài ra, trầm cảm sau sinh không có nghĩa bạn là một người mẹ tồi hay đứa con của bạn sẽ bị tách ra khỏi bạn. Trên thực tế, chỉ cần điều trị phương pháp phù hợp thì việc hồi phục  chỉ là vấn đề thời gian. Do đó, nếu bạn cảm thấy sự bất ổn của bản thân hoặc nhìn thấy ai đó là bạn hoặc người thân có những thay đổi khác thường sau sinh thì hãy cho họ một lời khuyên thật hợp lý nhé!


Tư liệu tham khảo cho bài viết này:

  1. https://theobgynmum.com/baby-blues-vs-postpartum-depression/
  2. https://www.webmd.com/depression/postpartum-depression/postpartum-depression-baby-blues
  3. https://healthtalk.unchealthcare.org/more-than-the-baby-blues/
  4. https://healthier.stanfordchildrens.org/en/what-you-can-do-about-postpartum-depression-and-anxiety/
  5. https://www.alustforlife.com/tools/mental-health/the-difference-between-baby-blues-and-post-natal-depression
  6. https://www.betterhelp.com/advice/depression/baby-nlues-what-causes-postpartum-depression/
  7. https://www.bumrungrad.com/en/health-blog/
  8. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/5-nguyen-nhan-gay-tram-cam-sau-sinh-nhan-biet-som-de-dieu-tri-kip-thoi/

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *